Chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu
Hiện nay, bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, bùng phát và lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắc xin bạch hầu, hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch. Tại Lai Châu, qua kết quả hệ thống giám sát những năm gần đây, chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh, thành trong nước, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bác sĩ Ngô Doãn Toàn - Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Trực khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế… Vi khuẩn bạch hầu chết ở nhiệt độ 58oc trong vòng 10 phút, dưới ánh sáng mặt trời vi khuẩn chết trong vài giờ. Thời gian ủ bệnh của bệnh bạch hầu từ 2-5 ngày, không có triệu chứng lâm sàng”.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở bản Tả Làn Than - Thành phố Lai Châu cho biết: Được cán bộ Y tế tuyên truyền về công tác tiêm chủng mở rộng và cách phòng bệnh cho trẻ trong đó việc tiêm vắc xin rất quan trọng nên tôi đã đưa cháu đi tiêm chủng đầy đủ đủ, đúng lịch các loại vắc xin, trong đó có bệnh bạch hầu.
Theo báo cáo của Ngành Y tế, 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh đạt 47,10%. Bên cạnh việc tiêm vắc xin thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng được Ngành quan tâm thực hiện, bằng việc đa dạng các hình thức truyền thông giúp người dân hiểu rõ được nguyên nhân, biểu hiện, các biện pháp phòng tránh bệnh bạch hầu. Đồng thời Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu: Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng. Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu - uốn ván giảm liều (Td) năm 2020 theo Kế hoạch số 1244/KH-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh, đảm bảo đạt tỷ lệ tối đa số lượng đối tượng thuộc diện tiêm chủng trong chiến dịch. Đảm bảo đầy đủ về nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tân Phong tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ em dưới 1 tuổi
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Xây dựng các phương án cụ thể để ứng phó khi có các tình huống dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra. Tổ chức giám sát chặt chẽ, luôn đảm bảo đầy đủ hóa chất, trang thiết bị y tế để triển khai biện pháp phòng, chống dịch, bệnh. Ðặc biệt, trước những thông tin dịch bạch hầu bùng phát tại một số tỉnh, thành trong cả nước, thông qua các cuộc giao ban hằng tuần, Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền; cử cán bộ y tế xuống các thôn, bản để hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch, bệnh. Nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, lồng ghép giữa công tác phòng, chống bệnh bạch hầu nói riêng và dịch bệnh nguy hiểm khác nói chung, qua đó, người dân nâng cao nhận thức về dịch bệnh, sớm có biện pháp phòng tránh và chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế để kịp thời theo dõi, điều trị nếu phát hiện trường hợp nhiễm bệnh.
Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ hoàn toàn ở nước ta, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Với những biện pháp của cơ quan y tế và sự hiểu biết, nâng cao nhận thức về cách phòng, chống dịch, bệnh, mong rằng bệnh bạch hầu không có cơ hội phát triển và lây lan trong địa bàn tỉnh.