DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON
Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ. Nếu không có bất kỳ hình thức điều trị hoặc chăm sóc nào, khả năng người phụ nữ nhiễm HIV truyền bệnh sang con là rất lớn. Tuy nhiên, việc được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm đi rất nhiều, thậm chí là 0%.
Việc lây truyền vi rút có thể được ngăn chặn gần như hoàn toàn nếu cả mẹ và con đều được cung cấp thuốc kháng virus (ARV) càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai và trong thời gian cho con bú.
Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỉ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là phương pháp tiết kiệm chi phí nhất và là một trong những phương pháp phù hợp nhất để tiếp cận thuốc kháng vi rút ARV.
Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra theo các con đường sau:
1. Lây truyền qua nhau (rau) thai khi người mẹ mang thai
Nhau thai có cấu tạo hết sức đặc biệt, nó giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể…từ cơ thể mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bào thai và ngăn không cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, khi bánh nhau bị nhiễm khuẩn hoặc bề dày của nó giảm đi vào nửa sau thai kỳ sẽ tạo điều kiện cho virut dễ dàng đi vào cơ thể bé.
Tình trạng vi rút HIV từ máu của mẹ sang thai nhi qua nhau thai có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.
2. Lây truyền khi sinh con
Vi rút HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo xâm nhập vào thai nhi qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc lớp da bị sây sát của trẻ trong thời gian chuyển dạ khi sinh, lúc này trẻ phải tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của mẹ hoặc sự trao đổi giữa mẹ và thai nhi khi chuyển dạ.
3. Lây truyền trong quá trình cho con bú
Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này vi rút HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.
Để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn thì thai phụ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai. Xét nghiệm và chẩn đoán sớm sẽ giúp có được phác đồ điều trị kịp thời và giảm mức độ nặng của bệnh cũng như dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả hơn.
Đối với phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần lưu ý:
- Đến cơ sở Y tế để được tư vấn và xét nghiệm theo chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn và biết tình hình bệnh đang giai đoạn nào để quyết định sinh con hay không.
- Nếu thai nhi chưa nhiễm HIV thì cần có kiến thức để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng và tiếp nhận phác đồ điều trị dự phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị: vì nếu uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thứ 28 kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm xuống chỉ còn 2 - 5% hoặc cao nhất là 10%.