Hội nghị giao ban trực tuyến về về công tác phòng, chống dịch Covid-19
Sáng ngày 19/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước. TTND, BSCKII. Bùi Tiến Thanh - Giám đốc sở Y tế chủ trì buổi giao ban tại điểm cầu Lai Châu.
Theo báo cáo, hiện 12/13 tỉnh, thành phố đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, riêng tại Hải Dương tình hình dịch vẫn phức tạp, số mắc tại Hải Dương vượt con số của ổ dịch tại Đà Nẵng. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, coi chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian qua, có thể nói chúng ta đã có cái Tết an lành nhưng có một số địa phương vẫn phải căng mình đối phó với dịch bệnh. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý I phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không được chủ quan, lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn 4 tại chỗ, là phương châm chống dịch đã quán triệt từ năm 2020 đến nay, để khi dịch xảy ra không bị động.
Theo Bộ trưởng, với đợt dịch lần thứ 3 này, các chuyên gia nhận định là đợt dịch tương đối phức tạp vì biến chủng của Anh tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Cũng vì thế, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp. Đến nay Hải Dương ghi nhận đến 575 ca mắc, vượt con số của ổ dịch tại Đà Nẵng với 389 ca. Số ca mắc trung bình trong ngày của Hải Dương bao giờ cũng cao hơn, chứng tỏ tốc độ lây lan của chủng này mạnh hơn, nhanh hơn. Do đó, đề nghị Hải Dương tới đây tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt với khu vực Chí Linh.
TTND, BSCKII. Bùi Tiến Thanh - Giám đốc Sở Y tế chủ trì tại điểm cầu Lai Châu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương một số điểm như:
Thứ nhất, các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Thực tế, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Gia Lai là địa phương tưởng chừng không có ca bệnh nhưng vẫn xảy ra. Một số tỉnh, thành phố khác cũng tương tự. Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch chúng ta luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới chủ động đối phó khi có dịch.
Thứ hai, cần chuẩn bị tất cả kịch bản khi bùng phát dịch. Qua thực tiễn, có mấy điểm xin nhắc các địa phương. Đầu tiên là phải chuẩn bị kịch bản về cách ly, giãn cách. Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là phải kiên quyết cách ly triệt để, an toàn F1 để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.Vì thế, đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tỉnh những cơ sở nào có thể sử dụng để cách ly, xây dựng kịch bản cách ly ở khu vực đó về: Giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe... Đặc biệt, trong cách ly làm sao phối hợp chặt chẽ với bên quân đội, để lực lượng quân đội điều hành toàn bộ cơ sở cách ly. Trên thực tế tại các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý: “Virus lần này là virus biến đổi, tốc độ lây lan nhanh hơn 70%. Chúng ta phải thần tốc chặn các nguồn lây, nếu chậm là đuổi theo dịch, không chặn được dịch; càng đuổi chúng ta càng đuối”.
Riêng Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý phải thực hiện nghiêm hơn vấn đề giãn cách xã hội, không để dịch lây nhiễm trong khu phong tỏa, không để gia đình này vẫn giao lưu với gia đình khác.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, nếu chỉ 1-2 địa phương có dịch thì Bộ Y tế có thể đáp ứng được nhưng nhiều địa phương có dịch thì sẽ rất khó khăn. Do đó, đề nghị các địa phương phải chuẩn bị các phương án xét nghiệm, các kịch bản xét nghiệm nhiều hơn. Phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn, công tác xét nghiệm phải đáp ứng theo mức độ diễn tiến của dịch. Đồng thời phải tập huấn cho tất cả các cán bộ y tế trên địa bàn về lấy mẫu, chia nhỏ để đi lấy mẫu xét nghiệm. Các bệnh viện tại các địa phương cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không chủ quan.
Thứ tư là chuẩn bị phương án điều trị, các cơ sở y tế phục vụ khám, chữa bệnh nếu xảy ra dịch thì sẽ chuyển bệnh nhân đi đâu. Vì thế, đề nghị các địa phương phải chuẩn bị các phương án để sẵn sàng chống dịch.