Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động
Người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, tác hại nghề nghiệp vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng hơn có thể mắc các bệnh nghề nghiệp tùy theo thời gian tiếp xúc và mức độ ô nhiễm tại nơi làm việc.
Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc như: Vi khí hậu, ánh sáng, điện từ trường, bụi, ồn, rung, hơi khí độc, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, tâm sinh lý lao động và ecgônmi… để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị được Sở Y tế thẩm định năng lực và công bố đơn vị đủ điều kiện Quan trắc môi trường lao động theo Nghị định số 44/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật lao động, vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động; Đủ điều kiện khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người sử dụng lao động và người lao động để giảm thiểu và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp do tác động của các yếu tố môi trường có hại cho người lao động. Hằng năm, TTKSBT tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động về y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích của Ngành Y tế, phối hợp với các cơ sở lao động tiến hành quan trắc môi trường lao động, đánh giá điều kiện lao động, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, qua đó đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đo quan trắc môi trương lao động tại công trình thủy điện Lai Châu
Năm 2022, Trung tâm KSBT tỉnh đã phối hợp với các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh tiến hành triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 8 đơn vị, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 03 đơn vị với tổng số người lao động được khám là 1.079 người, trong đó người lao động có sức khoẻ loại I là 377 người, loại II là 500 người, loại III là 181 người, loại IV và V là 21.Thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 22 đơn vị với tổng số mẫu quan trắc 4.966 trong đó có 3.875 mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Tại các buổi khám sức khoẻ người lao động đã được khám sức khoẻ một cách toàn diện, đầy đủ các chuyên khoa như: Thể lực, Nội, Ngoại, RHM, TMH, Mắt, Sản… và làm các xét nghiệm cơ bản liên quan đến các bệnh nghề nghiệp như đo chức năng hô hấp, đo thính lực… Thông qua đợt khám sức khỏe giúp cho người lao động biết được tình trạng sức khoẻ của mình, phát hiện sớm các vấn đề sức khoẻ, các bệnh phát sinh liên quan đến yếu tố nghề nghề, đồng thời người sử dụng lao động được tư vấn về các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, hướng dẫn cho chủ sử dụng lao động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp, các giải pháp cải thiện điều kiện, môi trường lao động cho người lao động.
Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác Y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp truyền thông cũng như xử lý các tình huống, sự cố mất an toàn trong lao động. Năm 2022, TTKSBT tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn phổ biến, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về công tác y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Qua buổi tập huấn, các học viên hệ thống lại một các toàn diện nhất các văn bản quy phạm pháp luật về công tác Y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, cập nhật thêm các Nghị định, Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật mới, một số thay đổi so với các Nghị định thông tư cũ. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, triển khai thực hiện tốt hơn công tác Y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, quản lý chất thải y tế trên địa bàn
Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động năm 2023 với khẩu hiệu "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. TTKSBT tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống tai nạn lao động, cháy nổ cho các cơ sở lao động với nhiều hình thức như: Treo băng rôn khẩu hiệu, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó TTKSBT tỉnh phối hợp với các cơ sở lao động tổ chức quan trắc môi trường lao động, đánh giá điều kiện lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ tại các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định trong những năm qua với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình TTKSBT tỉnh đã và đang thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, qua đó góp phần chăm sóc nâng cao sức khoẻ người lao động; cải thiện điều kiện lao động, thực hiện kiểm soát hiệu quả và giảm dần tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến, ngăn chặn tai nạn lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.