• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VẮC XIN PHẾ CẦU 13 PHÒNG VIÊM PHỔI, VIÊM MÀNG NÃO, VIÊM TAI GIỮA

VẮC XIN PHẾ CẦU 13 PHÒNG VIÊM PHỔI, VIÊM MÀNG NÃO, VIÊM TAI GIỮA

Vắc xin “Phế cầu 13” phòng các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và các bệnh do phế cầu khuẩn đã có ở Việt Nam

Vắc xin “Phế cầu 13” là gì?

Phế cầu 13” là vắc xin có chứa 13 chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (S. pneumoniae) khác nhau, phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)… do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra.

“Phế cầu 13” được sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn; đặc biệt là đối tượng trẻ lớn quá tuổi tiêm vắc xin phế cầu của Bỉ, người lớn có nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh, và người có bệnh mãn tính như tiểu đường, tắc nghẽn phổi mãn tính COPD, người bị suy giảm hệ miễn dịch…

Vì sao nên tiêm vắc xin “Phế cầu 13”?

Trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn nên tiêm vắc xin “Phế cầu 13” để phòng các bệnh nguy hiểm do phế cầu khuẩn gây ra

Bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn:

Viêm phổi là một trong những nguyên nhân cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em nhất trên thế giới. Theo số liệu của các tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế, năm 2018 có hơn 800.000 trẻ đã chết do bệnh viêm phổi. Với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong vì viêm phổi lên tới 15%. Cứ mỗi 39 giây thế giới có một em bé chết vì viêm phổi. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì 4 căn bệnh nguy hiểm này.

Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, người có sức đề kháng giảm… Bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Nếu may mắn khỏi bệnh, người bệnh cũng có thể mắc di chứng mù, điếc, liệt và chậm phát triển thần kinh…

Bệnh viêm màng não do phế cầu khuẩn:

Viêm màng não do vi khuẩn phế cầu là bệnh lý nghiêm trọng làm màng não (lớp vỏ bao ngoài bảo vệ não và tủy sống) bị viêm. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào và nếu không được phát hiện cũng như điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: tê liệt chân tay, động kinh, điếc, mù, phù não, hôn mê thậm chí tử vong.

Bệnh viêm tai giữa do phế cầu khuẩn:

Viêm tai giữa do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae (40-50%), vi khuẩn Haemophilus influenzae và NTHi (30-40%) cũng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có hơn 350 triệu ca mắc viêm tai giữa cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hầu hết các ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Hơn một phần ba trong số đó, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới một tuổi sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật.

Không chỉ là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, mà người lớn cũng có khả năng mắc bệnh viêm tai giữa. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, viêm xương chũm, liệt mặt, áp xe não, viêm màng não…

Trường hợp nếu người lớn bị viêm tai giữa do viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, áp xe dưới màng cứng, viêm não, viêm màng não hay áp xe não… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.

Bệnh nhiễm trùng máu do phế cầu khuẩn:

Có đến 20% trẻ em thiệt mạng do nhiễm trùng máu gây ra. Người lớn cũng chiếm tỷ lệ mắc bệnh khá cao, đặc biệt tỷ lệ bệnh ở người cao tuổi gấp 13 lần so với người trẻ vì hệ miễn dịch của họ bị suy yếu, dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công vào máu gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) là căn bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, sản sinh ra những độc tố khiến trẻ bị nhiễm độc. Nhiễm trùng máu sẽ gây tổn thương các cơ quan như gan, thận… khiến cơ thể người bệnh bị suy giảm mạnh. Bệnh còn gây ra rối loạn máu đông trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến chân tay cũng như các cơ quan nội tạng khác, đồng nghĩa với việc cơ thể thiếu chất dinh dưỡng và oxy.

Vắc xin “Phế cầu 13” do tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới – Pfizer (xuất xứ Anh) – nghiên cứu sản xuất, được sử dụng rộng rãi tại hơn 100 quốc gia trên thế giới và được chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa các chủng phế cầu phổ biến gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu) cho trẻ em lẫn người lớn. Nếu được tiêm phòng các bệnh do phế cầu, người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính sẽ giảm nguy cơ phải nhập viện điều trị do cơn COPD kịch phát, giảm chi phí điều trị.

Vắc xin “Phế cầu 13” hoạt động như thế nào?

Vắc xin “Phế cầu 13” hoạt động bằng cách “dạy” hệ miễn dịch cách tự vệ chống lại bệnh tật. Khi một người được tiêm vắc xin, hệ miễn dịch sẽ nhận ra các bộ phận của cơ thể bị vi khuẩn, virus xâm nhập và sẽ tạo ra các kháng thể nhanh hơn khi tiếp xúc với vi khuẩn. Điều này giúp bảo vệ chống lại bệnh tật.

Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể khác nhau cho mỗi virus, vi khuẩn gây bệnh mà nó bắt gặp. Điều này tạo ra một nhóm các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể chống chọi lại các căn bệnh khác nhau.

Vắc xin “Phế cầu 13” chứa các polysacarit từ 13 loại S. pneumoniae khác nhau (huyết thanh 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F). Loại vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch tạo kháng thể chống lại những vi khuẩn này và được dùng để ngăn ngừa các bệnh mà chúng có thể gây ra. Vắc xin “Phế cầu 13” được sử dụng để chủng ngừa cho trẻ em từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn.

Đối tượng nào cần tiêm vắc xin “Phế cầu 13”?

Vắc xin “Phế cầu 13” phòng phế cầu khuẩn được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi, người trưởng thành có hệ miễn dịch suy yếu, người già. Phác đồ tiêm phụ thuộc vào độ tuổi bắt đầu tiêm mũi “Phế cầu 13” đầu tiên.

Bệnh nhân mắc bệnh phổi như lao phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính COPD, bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… được chỉ định tiêm vắc xin phòng bệnh cũng tiêm được vắc xin “Phế cầu 13” mà không cần phải ra nước ngoài.

Không dùng vắc xin “Phế cầu 13” trong những trường hợp nào?

  • Tránh dùng vắc xin “Phế cầu 13” trong thai kỳ.
  • Không tiêm vắc xin “Phế cầu 13” với người quá mẫn cảm với thành phần trong vắc xin hoặc với độc tố bạch hầu.
  • Không tiêm vắc xin “Phế cầu 13” ở bệnh nhân giảm tiểu cầu hoặc bất kỳ rối loạn đông máu nào.
  • Không dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) đồng thời hoặc trong cùng ngày tiêm vắc xin “Phế cầu 13”.

Phác đồ tiêm vắc xin “Phế cầu 13”?

1. Trẻ em từ 2 – 6 tháng tuổi:

Lịch tiêm cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng
  • Mũi 3: Cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng

Lịch tiêm nhắc:

  • Mũi 4: Tiêm khi trẻ 11 – 15 tháng tuổi
  • Lưu ý: Mũi 4 cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng

2. Trẻ em từ 7 – 11 tháng tuổi

Lịch tiêm cơ bản:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng

Lịch tiêm nhắc:

  • Mũi 3: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi
  • Lưu ý: Mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng

Trẻ em từ 12 – 23 tháng tuổi:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng

3. Trẻ em từ 24 tháng tuổi – người lớn

  • Tiêm 1 mũi duy nhất

Lưu ý:

Vắc xin “Phế cầu 13” là vắc xin tiêm bắp và vị trí thích hợp là mặt trước bên đùi của trẻ nhỏ hoặc cơ delta cánh tay ở trẻ trên 5 tuổi, người trưởng thành, người già.

Vắc xin “Phế cầu 13” thường an toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số phản ứng phụ thông thường sau tiêm nhưng không đáng kể như đau tại vết tiêm, đôi khi sưng, ửng đỏ. Có thể sốt nhẹ, kém ăn, ngủ kém đối với trẻ em. Riêng người lớn có thể đau khớp, đau cơ, mệt mỏi. Phản ứng phụ thường thoáng qua và sẽ hết sau 1-2 ngày.

Hiện tại, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu luôn có sẵn Vắc xin để phục vụ:

Mọi thông tin tư vấn xin được liên hệ số điện thoại: 0977823862; 0389943704

 


Tác giả: Trung tâm kiểm soát bênh tật Tỉnh
Nguồn:(Theo Tài liệu Truyền thông – Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE