• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ăn canh nấm mọc hoang, 14 người dân ở xã Sùng nhập viện

Thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Lai Châu cho biết: Trưa ngày 20/6 tại lán nương của gia đình ông Hàng A Sinh, bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu tổ chức nấu cơm phục vụ 21 người thuộc 3 bản: Cư Nhà La, Lùng Thàng, Gia Khâu 2 của xã Sùng Phài tham gia cấy lúa tại ruộng của gia đình.

Theo lời kể của ông Hàng A Sinh, bữa cơm gồm 7 món, trong đó có món canh nấm do anh Tẩn A Cơ (SN 2002) hái nấm mọc hoang ở vườn và ruộng của gia đình ông. Thời điểm đó là lúc 10 giờ sáng và anh Cơ cũng đã ăn thử, sau đó mới mang về lán cho ông Sinh nấu.  

Do thấy nấm lạ nên trong bữa cơm trưa có 6 người không ăn món canh này và không có biểu hiện triệu chứng ngộ độc. Trong số 15 người còn lại ăn canh nấm thì 14 người có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm. Và, người đầu tiên xuất hiện triệu chứng: đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng đi ngoài là anh Hàng A Minh (SN 1998), trú tại bản Cư Nhà La (thời điểm 14 giờ cùng ngày).

Đến 22 giờ cùng ngày lần lượt có thêm 13 người xuất hiện cùng triệu chứng như trên và được người nhà, lực lượng y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trên cơ sở xác định nguyên nhân sơ bộ nghi ngộ độc nấm, bệnh viện tiến hành điều trị truyền kháng sinh và bù nước điện giải bằng truyền dịch cho các bệnh nhân.

Đến nay, tình hình sức khỏe các bệnh nhân cơ bản ổn định và đang tiếp tục được theo dõi. Hiện, cơ quan chức năng địa phương đã lấy mẫu thức ăn đưa đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức về phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên cho người dân trên địa bàn.

 

 

                                                  Đây là loại nấm gia đình ông Hàng A Sinh hái về ăn và bị ngộ độc

Cách phân biệt nấm lành, nấm độc: (Theo tài liệu của báo Sức khỏe & Đời sống)

Phân biệt nấm độc

Để phân biệt được nấm ăn được và nấm độc thì có nhiều kinh nghiệm cùng với các cơ sở nghiên cứu: Không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc, không ăn nấm quá non hay quá già, không ăn nấm có chảy sữa... Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, như có nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức, và lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn. Dưới đây là một số loại nấm độc nhưng có hình dạng giống nấm thường:

Nấm đen nhạt: Còn gọi là nấm xanh đen, nấm bìu. Loại này quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ. Thịt nấm mềm màu trắng, khi non có mùi thơm ngọt, già thì có mùi khó chịu. Nấm thường mọc đơn độc hoặc thành cụm ở trên mặt đất rừng hoặc bãi cỏ. Đây là loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm (một miếng nhỏ bằng ngón tay út) cũng đủ giết chết một người trưởng thành.

Nấm tán trắng: Quả nấm màu trắng, đôi khi ở giữa có màu vàng bẩn, bề mặt khi thời tiết khô thì nhẵn bóng, khi trời ẩm thì ướt và dính. Phấn nấm màu trắng, đường kính khoảng 5 - 10cm, cuống và vòng cũng màu trắng, chân phình dạng củ. Loại này hay mọc ở ven rừng, ven đường hoặc trên bãi cỏ. Loại này cũng rất độc và đặc biệt là hình thức rất dễ khiến người ta nhầm. Đã có nhiều người ăn và tử vong vì loại nấm này.

Nấm đỏ: Quả nấm có màu đỏ rực hay đỏ cam, màu sắc có thể nhạt dần sau mưa, có phủ những vảy màu trắng, đường kính từ 10 - 15cm, cuống và vòng màu trắng hoặc vàng, chân phình dạng củ, thịt nấm trắng không có mùi vị đặc biệt. Nấm mọc đơn độc hoặc thành cụm. Loại nấm này trông rất đẹp còn được gọi là nấm bay, nấm vũ trụ, có nơi còn gọi là nấm ruồi vì dùng làm bả diệt ruồi.

 


Tác giả: Mai Hoa
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE