Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Than
Từ ngày 22/5 - 02/6/2023, tại bản Phiêng Diểm, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ có 03 con trâu của 3 hộ chăn nuôi bị chết không rõ nguyên nhân. Qua điều tra, xác minh sau khi phát hiện trâu chết tại bãi chăn thả (trước khi chết trâu có thể trạng gầy yếu, bụng chướng to, không phát hiện trâu bị thương hoặc có dấu hiệu bị đầu độc chết) chủ vật nuôi đã tự ý giết mổ, ăn thịt hoặc bán chạy gia súc mà không thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để xác định và xử lý kịp thời. Kết quả, tổng số người liên quan: 106 người trong đó: 18 người tham gia giết mổ và ăn thịt trâu chết nghi mắc bệnh Than (có 03 trường hợp mắc bệnh), 88 người tham gia ăn thịt và không tham gia giết mổ trâu chết nghi mắc bệnh Than hiện tại chưa có biểu hiện bệnh. Những con trâu mắc bệnh đều là trâu địa phương, không ghi nhận hiện tượng vận chuyển, nhập trâu bò hoặc thực phẩm từ nơi khác về; trâu chưa được tiêm phòng vác xin định kỳ vụ Xuân hè năm 2023. Huyện Sìn Hồ đã dừng tổ chức tiêm phòng vắc xin Nhiệt thán từ năm 2020.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện huyện Sìn Hồ đã từng xảy ra bệnh Nhiệt thán (bệnh Than): Xã Chăn Nưa ghi nhận bệnh Nhiệt thán vào khoảng năm 1992 và xã Pa Tần (tiếp giáp với Chăn Nưa và có chung một dòng sông chảy qua) đã ghi nhận bệnh năm 2006; xã Nậm Mạ năm 2003 và xã Tà Ngảo năm 2010.
Đặc điểm của vi khuẩn Nhiệt thán sau khi sinh nha bào có thể tồn tại được 20 - 30 năm trong đất, với tình hình hiện nay mực nước sông chảy qua địa phận xã Chăn Nưa, Pa Tần đã cạn tới đáy, con vật có nguy cơ hít hoặc ăn phải nha bào Nhiệt thán trong quá trình chăn thả tự do ngoài bãi chăn trong khu vực lòng sông. Mặt khác, trên địa bàn huyện Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên (tiếp giáp với huyện Sìn Hồ) đang xảy ra dịch bệnh Nhiệt Thán trên người và gia súc nên nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện qua sự di chuyển của con người và các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là rất cao.
Đến ngày 16/6/2023, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh Than nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cả trên người cũng như trên động vật do (nguồn lây tại chỗ, trực khuẩn Than sinh nha bào có thể tồn tại thời gian dài trong môi trường đất).
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ Phun CloraminB 25% khử khuẩn môi trường tại khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh Than tại xã Chăn Nưa (Sìn Hồ)
Trước tình hình dịch bệnh Than diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã phối hợp UBND huyện Sìn Hồ khẩn trương chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện; cơ quan Thú y, chính quyền xã Chăn Nưa khoanh vùng, thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ để thông báo về tình hình dịch bệnh, huy động các thành viên Ban chỉ đạo xã cùng tham gia chống dịch. Yêu cầu Ban chỉ đạo xã chỉ đạo các thành viên trong Ban chỉ đạo phối hợp với cơ quan Thú Y đi thu gom, tiêu hủy hơn 40kg thực phẩm còn lại của những con trâu bị bệnh tiêu hủy theo quy định của cơ quan Thú y. Yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ huy động 02 máy phun và 25kg CloraminB 25% để phun khử khuẩn môi trường tại khu vực có nguy cơ cao. Cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính tại cơ sở y tế, điều trị dự phòng đối với những người liên quan theo đúng Quyết định số 5703/QĐ-BYT, ngày 20/12/2017 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Than trên người và thực hiện công tác báo cáo diễn biến tình hình dịch hàng ngày đúng quy định của Bộ Y tế. Trạm Y tế xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Than trên địa bàn, trình Ban chỉ đạo phối hợp điều tra, xác minh tình hình động vật chết trên địa bàn phát hiện tổng số có 03 con trâu chết và lập danh sách những người liên quan, giám sát phát hiện tổng số 03 trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị hạn chế lây lan mầm bệnh và diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ Phun CloraminB 25% khử khuẩn môi trường tại khu vực có nguy cơ cao mắc bệnhThan tại xã Chăn Nưa (Sìn Hồ)
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền cho người dân dọn vệ sinh tại các bản để phun khử khuẩn môi trường bằng dung dịch CloraminB 0,5% hoạt tính tại các khu vực nguy cơ cao. Đặc biệt, tại các hộ gia đình có bệnh nhân, gia đình có trâu chết, chỗ mổ trâu, chỗ chôn thịt trâu…; vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng chăn nuôi gia súc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, vận động người dân không ăn rau sống, không ăn thực phẩm liên quan đến động vật ốm, chết. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Thực hiện tốt công tác kiểm soát giết ổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường. Nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc bị bệnh.
Nguồn:Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu Copy link