Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030
Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”; Công văn số 5370/BNN-TY ngày 07/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức triển khai Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4333/KH-UBND ngày 09/11/2023 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2023 - 2030, với các nội dung sau:
Mục tiêu chung: Xây dựng, duy trì được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Kiểm tra, kiểm soát các loại thuốc, vắc xin thú y bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc, tồn dư kháng sinh. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý chuyên ngành thú y. Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình thông tin, tuyên truyền về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại địa phương.
Mục tiêu cụ thể:
- Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người giai đoạn 2023 - 2030: Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn, Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, bệnh Dại,… theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến năm 2025: Duy trì cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã có (01 cơ sở) và xây dựng thêm 03 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn với bệnh Lở mồm long móng, dịch tả lợn tại thành phố Lai Châu, huyện Mường Tè, Tân Uyên. Từ năm 2026 đến năm 2030: Tiếp tục duy trì các cơ sở an toàn dịch bệnh đã được công nhận và xây dựng thêm 05 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn với bệnh Lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi và Dịch tả lợn tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Nậm Nhùn và thành phố Lai Châu; 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn với bệnh Cúm gia cầm và Niu cát xơn tại huyện Than Uyên và tại các địa phương khác (nếu có); 05 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh Dại tại thị trấn các huyện Tam Đường, Than Uyên và Phường Đoàn Kết, Tân Phong, Đông Phong - thành phố Lai Châu và tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại các xã lân cận để hướng tới vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh Dại.
- Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật giai đoạn 2023-2030: 100% công chức quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và cấp thẻ kiểm dịch động vật theo vị trí việc làm; hàng năm rà soát, bổ sung biên chế cho lực lượng làm công tác kiểm dịch đảm bảo đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2023 - 2025: Thực hiện rà soát, sắp xếp, vận động những điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức tập trung (cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ) đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu theo quy định, có sự kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan thú y; trên 70% động vật đưa vào các cơ sở được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Trong giai đoạn 2023-2030: Xây dựng 01 cơ sở giết mổ động vật tập trung hiện đại, áp dụng công nghệ mới tại thành phố Lai Châu phục vụ cho tiêu dùng tại thành phố và các huyện lân cận; xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung tại các huyện, đảm bảo trên 90% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Xây dựng mạng lưới Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, khu vực cách ly, kiểm dịch động vật sau khi có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Thực hiện giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm
động vật tiêu dùng nội địa. Xây dựng và tổ chức triển khai chương trình thông tin, tuyên truyền về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại địa phương.
- Tăng cường năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng,
an toàn, hiệu quả giai đoạn 2023-2030: Thực hiện kiểm tra, giám sát các loại thuốc, vắc xin thú y lưu hành trên thị trường; hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát trên 50% các cửa hàng buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Triển khai chương trình truyền thông về quản lý, sử dụng thuốc thú y, vắc xin, hóa chất; truyền thông về phòng chống kháng thuốc, cảnh báo nguy cơ kháng thuốc trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y giai đoạn 2023-2030: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc thú y, xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành Thú y.
Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện gồm: (1) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai doạn 2023 - 2030; (2) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023 - 2030; (3) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 - 2030; (4) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023 - 2030...