Phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Than trên người
Trong những ngày đầu tháng 6 năm 2023, qua hệ thống theo dõi, giám sát bệnh truyền nhiễm của Ngành Y tế, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh Than trên người, đây là những bệnh nhân đầu tiên của tỉnh trong năm 2023 sau 12 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát hiện một số mẫu dương tính trên trâu và môi trường đất tại chuồng nuôi trâu.
Biểu hiện bệnh than trên cơ thể người bệnh
Trước tình hình dịch bệnh Than đang có chiều hướng gia tăng trên động vật và đã có trường hợp lây sang người, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Than trên địa bàn tỉnh, ngày 12/6/2023 Sở Y tế ban hành Công văn số 1055/SYT-NVY về việc phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Than trên người. Sở Y tế đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao,phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện/thành phố phối hợp với các phòng, ban và cơ quan liên quan điều tra xác minh tình hình dịch bệnh Than trên đàn gia súc để có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh Than phát sinh trên gia súc và lây sang người; rà soát công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Than cho đàn gia súc trên địa bàn các huyện/thành phố đặc biệt là khu vực xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) là khu vực đang ghi nhận có trường hợp dương tính và các xã lân cận, nơi có ổ dịch cũ đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Than cho đàn gia súc theo đúng quy định; triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát giết, mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép lưu hành trên thị trường. Nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ đã có kết quả xét nghiệm dương tính và các xã lân cận chưa có kết quả xét nghiệm nhưng có hiện tượng gia súc chết bất thường và người dân giết mổ, bán tự do… để kiểm soát dịch bệnh Than trên gia súc và phòng lây truyền cho người; khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh, chết do mắc bệnh Than cần phối hợp với cơ quan y tế thực hiện công tác phòng chống dịch, đồng thời tổ chức vệ sinh, khử trùng, thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi, xác gia súc để đốt, chôn....theo đúng quy định. Lấy mẫu xét nghiệm để xét nghiệm khẳng định, khi có kết quả chia sẻ thông tin cho ngành Y tế, định kỳ báo cáo tình hình dịch bệnh trên động vật.
Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu phối hợp với ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và UBND các huyện/thành phố tăng cường truyền thông một số nội dung như: Thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nơi có xảy ra dịch bệnh; tính chất nguy hiểm của bệnh Than đối với người dân, đối với động vật và sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, nhà ở, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, vận động người dân không ăn rau sống, không giết mổ, không ăn thực phẩm liên quan đến động vật ốm, chết, không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện động vật ốm chết hoặc người dân buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật ốm, chết nghi do mắc bệnh cần báo cho chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Than cho đàn gia súc. Khi người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Sở thông tin và truyền thông phối hợp với ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận cùng chung tay trong công tác phòng chống dịch bệnh Than trên người cũng như trên động vật, khống chế không để dịch bệnh phát tán, lây lan rộng trong cộng đồng. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh Than và cách phát hiện sớm triệu chứng của bệnh trên người cũng như trên động vật. Đa dạng hóa các loại hình và phương tiện, phương thức truyền thông, chủ động cung cấp thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh Than trên người và trên động vật cho người dân tránh hoang mang.
UBND các huyện/thành phố Chỉ đạo Trung tâm Y tế thực hiện nghiêm Quyết định số 5703/QĐ-BYT, ngày 20/12/2017 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Than trên người đặc biệt trong việc cách ly, điều trị bệnh nhân dương tính, điều trị dự phòng đối với người phơi nhiễm, xử lý môi trường đối với khu vực nguy cơ cao... Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác truyền thông cho người dân vệ sinh môi trường, nhà ở, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, vận động người dân không ăn rau sống, không giết mổ, không ăn thực phẩm liên quan đến động vật ốm, chết, không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện động vật ốm chết hoặc người dân buôn bán, giết mổ vận chuyển động vật ốm, chết nghi do mắc bệnh cần báo cho chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Than cho đàn gia súc. Khi người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất chế biến, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ động vật có nguy cơ lây nhiễm bệnh Than. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc bị bệnh.