• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH LAI CHÂU
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG TIN BÁO CHÍ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2024, KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2025 Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024

“Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”

Ngày 26 tháng 12 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 để hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024. Hội nghị do Bộ Y tế đồng chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí tại Trung ương và địa phương.

          Ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị Ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này do Việt Nam đề xuất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hàng năm. Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp: “Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai”.

Phát biểu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh: COVID-19 sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới; hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn; kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, an sinh, an ninh xã hội không được bảo đảm, đời sống người dân bị đảo lộn. Cuộc khủng hoảng tạm thời đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm vẫn luôn còn đó. Quán triệt quan điểm thực hiện hiệu quả việc phòng bệnh từ sớm, từ xa; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và luôn cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh, trong đó có cả tình huống có thể xảy ra của đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế gửi cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban ngành, địa phương và sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế, sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức nước ngoài và đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực của cộng đồng xã hội và Nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua.

Với cách thức và hình thái lây truyền đa đạng, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, các bệnh truyền nhiễm nói chung luôn diễn biến khó lường, khó dự báo. Bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng làm cho các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng và nguy cơ xảy ra đại dịch luôn hiện hữu. Năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg...vẫn xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là sự cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia.

Tại Việt Nam, trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023; không ghi nhận các trường hợp bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Năm 2024 xảy ra cơn bão Yagi lớn nhất từ trước đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng, chủ động nên các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau thiên tai, bão lũ được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch lớn tại các địa bàn bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.

Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quốc tế và cộng đồng xã hội khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về y tế dự phòng, y tế cơ sởphòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khân cấp về y tế công cộng; đồng thời chỉ đạo việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra của dịch bệnh; đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành, địa phương, sự đóng góp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng xã hội và Nhân dân cả nước.

 

THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG HƯỞNG ỨNG

 NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2024

- Toàn dân, toàn xã hội cùng tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác - Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa;

- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội;

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm;

- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở, nơi sinh hoạt, làm việc để ngăn ngừa các mầm bệnh truyền nhiễm phát triển;

- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng mắc bệnh truyền nhiễm và giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong;

- Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;

- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng;

- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;

- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể bảo vệ sức khoẻ;

- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh khi điều trị bệnh;

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời;

- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.

- Để phòng bệnh sởi, hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ và đúng lịch.

- Vắc xin sởi là vắc xin an toàn, thường chỉ có phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.

- Khi bị chó, mèo cắn cần xử lý vết thương đúng cách và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, hướng dẫn tiêm phòng dại.

- Khi bị chó, mèo cắn; tuyệt đối không tự chữa trị, không nhờ thầy lang chữa bệnh.


Tác giả: Bộ Y tế
Nguồn:Bộ Y tế Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE