A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận diện, đấu tranh với chiêu trò “nhân danh nhân dân” để chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch

Nhân dân đóng vai trò quyết định đối với sự thành công của quá trình giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đối tượng đã dùng chiêu trò “nhân danh nhân dân” để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang dày công xây dựng. Vì thế, việc nhận diện và có giải pháp hiệu quả để đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn thâm độc này nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về vai trò, vị trí chính trị của nhân dân

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhân dân là cộng đồng xã hội nhất định được gắn kết bởi lợi ích chung, là quần chúng đông đảo những người bị trị so với thiểu số giai cấp thống trị. Theo V.I. Lê-nin, “quần chúng là đa số, và hơn thế nữa, chẳng những chỉ là đa số công nhân, mà là đa số tất cả những người bị bóc lột”(1). Nhấn mạnh tính giai cấp khi đề cập đến khái niệm “nhân dân”, V.I. Lê-nin khẳng định: “Khi dùng danh từ nhân dân, Mác không thông qua danh từ ấy xóa mờ tất cả sự khác biệt về giai cấp…”(2). Xét theo quan điểm đó, động lực cách mạng chính là nhân dân, với nghĩa là cộng đồng người thuộc về giai cấp bị áp bức, bóc lột và cần phải được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột. Nhân dân là chủ thể sáng tạo lịch sử, sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần, đồng thời là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhân dân, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội hàm “nhân dân” được Người nhấn mạnh tính dân tộc khi định nghĩa: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác”(3). Đó là tập hợp gắn kết đa số người khác nhau về dân tộc, tôn giáo, giới tính, giai tầng, địa vị… trong xã hội, song thống nhất thành một cộng đồng chung là toàn thể dân tộc Việt Nam. Người khẳng định địa vị chính trị của nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(4) và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong thực hiện sứ mệnh cách mạng: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(5). Để phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của Đảng với tư cách là người tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”(6), và “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo”(7).

anh tin bai
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình có công với cách mạng ở Bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa  (Ảnh: TTXVN)

 

Trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ vai trò và địa vị chính trị của nhân dân, luôn quán triệt quan điểm dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất, tinh thần; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Khẳng định và đề cao “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(8), trải qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy tối đa tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định rõ địa vị pháp lý của nhân dân: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”(9); “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”(10), và hiến định: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”(11).

Chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đã thể hiện đầy đủ các đặc điểm của phạm trù “nhân dân”: (1) Nhân dân Việt Nam là người Việt Nam, xét về cả phương diện pháp lý và văn hóa xã hội là một chủ thể thống nhất của 54 tộc người, bao gồm người Việt Nam đang sống trên đất nước Việt Nam và ở nước ngoài; (2) Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam làm người lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Việt Nam là những người Việt Nam yêu nước, cùng chung ý chí xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhận diện các chiêu trò “nhân danh nhân dân” để chống phá Đảng và Nhà nước

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã núp dưới chiêu bài “nhân danh nhân dân” để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm những quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, hòng chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Hành vi “nhân danh nhân dân” của họ có một số biểu hiện:

Một là, lợi dụng hoặc núp dưới danh nghĩa “nhân dân” để thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn tấn công, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc tuyên truyền xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng, lịch sử vùng đất; bôi nhọ cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp của Đảng. Lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đặc biệt là lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, những vụ, việc cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án tham nhũng, tiêu cực,… Thời gian qua, các đối tượng chống phá đã quy kết rằng tham nhũng là tình trạng phổ biến, là hệ quả của chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền (?!). Bên cạnh đó, ra sức tán dương sự hào nhoáng của chủ nghĩa tư bản; đồng thời hạ thấp, xuyên tạc những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó “nhân danh nhân dân” đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện xã hội dân sự và cho rằng chỉ có như vậy mới sửa chữa được những “khuyết tật” của chủ nghĩa xã hội (?!)

Hai là, lợi dụng sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch “nhân danh nhân dân” lập ra nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội,… rồi thông qua đó, lấy danh nghĩa là các “chuyên gia phân tích chính trị”, các nhóm theo đuổi nhân quyền, dân chủ,… tung ra nhiều giọng điệu xuyên tạc, nhiều thông tin giả, khai thác triệt để các thủ thuật bóp méo sự thật,… nhằm đánh lạc hướng người dân, nhất là giới trẻ, để công kích Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Từ một vài sự việc, “điểm nóng” nhỏ lẻ, họ tìm cách tô vẽ, thổi phồng, dùng các thủ đoạn kích động tâm lý để lôi kéo sự đồng cảm của một số người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tạo thành các hội, nhóm tự xưng là “đại diện nhân dân”, lấy danh nghĩa “người dân” để kích động biểu tình, lên tiếng đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, qua đó chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Song song với đó, họ còn lập ra các tổ chức, diễn đàn núp dưới danh nghĩa “nhân dân” để nêu ra các “yêu sách”, “kiến nghị” đối với Đảng và Nhà nước trong giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường,… thực chất là để tự nâng mình lên, đồng thời hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Hành vi “nhân danh nhân dân” của họ không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn tạo ra sự sự hoang mang, hoài nghi, ảnh hưởng đến mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Ba là, tìm mọi cách để o bế các đối tượng bị bắt, bị pháp luật xử tội do chống phá Đảng, Nhà nước. Những kẻ “nhân danh nhân dân” thường tung ra luận điệu cho rằng những đối tượng này là những “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội” "có trách nhiệm" với Tổ quốc, là những "người dũng cảm", dám nói lên tiếng nói của nhân dân "bị xử oan" (?!). Từ đó, họ tìm mọi cách móc nối với các cá nhân, tổ chức lưu vong chống phá Đảng và Nhà nước ở trong và ngoài nước, “nhân danh nhân dân” đòi “công lý”, đòi trả tự do cho những đối tượng phạm pháp. Mặt khác, khi một số đối tượng có dấu hiệu phạm pháp tìm đường lẩn trốn ra nước ngoài bị lực lượng chức năng của ta ngăn chặn, những kẻ “nhân danh nhân dân” đã sử dụng nhiều phương tiện truyền thông, chủ yếu là các phương tiện truyền thông xã hội, để kêu gọi sự bênh vực, can thiệp, bảo lãnh từ các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Bốn là, nhiều đối tượng nhận viện trợ của các nhóm phản động, các thế lực thù địch để thành lập các tổ chức xúi giục biểu tình, kiện tụng, đòi giải quyết những vụ, việc “nóng”, dù không liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ. “Nhân danh nhân dân” tạo lập nhiều tổ chức bất hợp pháp, lôi kéo nhiều người (trong đó có một số trí thức, văn nghệ sĩ…) có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị không vững vàng, gây dựng họ thành lực lượng chống đối cực đoan với Đảng và Nhà nước ta. Từ những vấn đề chưa có kết luận chính thức của Đảng và Nhà nước (như những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, tình hình Biển Đông,…), các đối tượng tạo dựng tin đồn, dư luận xã hội cho rằng chính quyền giải quyết mập mờ, có dấu hiệu làm tổn hại lợi ích quốc gia - dân tộc (?!). Lợi dụng danh nghĩa “nhân dân”, họ lôi kéo, kích động những phần tử cực đoan, người thiếu thông tin chính thống, thiếu hiểu biết thực hiện những cuộc biểu tình, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, cải tổ Nhà nước.

Năm là, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, các đối tượng “nhân danh nhân dân” tìm mọi cách tấn công, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng cách lợi dụng tình hình khó khăn ở một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để kích động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đòi “ly khai”. Hoặc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo để mua chuộc một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo, tập hợp lực lượng, sử dụng chiêu bài đòi “tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền cho người dân tộc thiểu số”; nhân danh “đồng bào dân tộc thiểu số”, “đồng bào tôn giáo” đòi tự trị, tiến tới thành lập tôn giáo riêng và nhà nước riêng (?!).

Một số giải pháp đấu tranh chống chiêu trò "nhân danh nhân dân" để chống phá Đảng và Nhà nước

Những chiêu trò trên cho thấy, nhiều đối tượng đã lấy “nhân dân” làm tấm bình phong, lợi dụng “nhân dân” để tiến hành các hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm thực hiện các âm mưu, thủ đoạn thâm độc phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng cố ý không tôn trọng thực tế khách quan là chính nhân dân, dân tộc Việt Nam đã lựa chọn con đường đi đúng đắn cho mình; Đảng và Nhà nước Việt Nam là người con do nhân dân Việt Nam sinh ra, nhờ nhân dân mà trưởng thành, vì nhân dân mà phục vụ. Nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ kẻ nào nhân danh mình, thay mình thực hiện sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không thể tồn tại một thế lực nào tự cho mình cái quyền “đại diện nhân dân” để đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta có trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín và lợi ích chính đáng của nhân dân và kiên quyết xử lý nghiêm minh tất cả những kẻ có mưu đồ “nhân danh nhân dân” để chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang dày công gây dựng.

Trong bối cảnh hiện nay, để phòng, chống, đập tan âm mưu, thủ đoạn “nhân danh nhân dân” chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu:

Một là, quán triệt quan điểm “dân là gốc”; làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(12) trên cơ sở đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Kiên quyết đấu tranh loại trừ mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tránh "tạo cớ" để các thế lực thù địch, phản động khai thác, lợi dụng, xuyên tạc bản chất của chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

anh tin bai
Thắm tình quân dân (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)

 

Hai là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập của mọi người dân; bảo đảm hài hòa và hợp lý hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách phát triển. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi dậy và phát huy tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Hiệu quả kinh tế - xã hội chính là thước đo xác thực và thuyết phục nhất lòng tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền.

Ba là, chú trọng thực hành văn hóa chính trị, nhất là văn hóa trong Đảng, văn hóa công sở và đạo đức công vụ, văn hóa dân chủ, văn hóa công dân. Đẩy mạnh nghiên cứu, xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi quan hệ của đời sống xã hội, thực sự trở thành động lực, là nguồn lực nội sinh và nền tảng cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Bốn là, việc giải quyết và xử lý hiện tượng “nhân danh nhân dân” để chống phá Đảng và Nhà nước cần dựa trên các nguyên tắc về nhân dân của Đảng, trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân. Đó là cơ sở để nhận diện đúng và vạch trần bộ mặt thật của những đối tượng “nhân danh nhân dân”, núp dưới “chiêu bài nhân dân” để thực hiện những hành vi, mưu đồ đen tối chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đối với những cá nhân, tổ chức "nhân danh nhân dân" để đi ngược lại ý chí chung của toàn Đảng, toàn dân, đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc thì Nhà nước cần kiên quyết xử lý nghiêm trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nhằm phòng, chống, ngăn chặn, loại trừ có hiệu quả tất cả những âm mưu chống phá thâm độc./.

----------------------

(1), (2) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 41, tr. 38; t. 41, tr. 159
(3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 264; t. 7, tr. 434; t. 5, tr. 333; t. 11, tr. 609; t. 8, tr. 274
(8), (12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 173; t. I, tr. 27
(9), (10), (11) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, Điều 17; Điều 2; Điều 44


Tác giả: NGUYỄN YẾN NHI - TS NGUYỄN THÀNH TRUNG Học viện Chính trị khu vực IV
Nguồn:https://tapchicongsan.org.vn/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 165
Tháng 12 : 24.938