A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tập trung phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Mỗi năm vào dịp nghỉ hè cũng là lúc trẻ em thường bị tai nạn thương tích (TNTT) nhiều hơn, do nghỉ hè, một số em phải tự ở nhà một mình, mùa hè nóng nên các em rủ nhau đi tắm ở sông, suối, hồ. Đồng thời cũng là do sự lơ là, mất cảnh giác của người lớn, của các bậc phụ huynh đã khiến con, cháu mình bị đau đớn về thể xác, có khi mất cả tính mạng.

Mùa hè là thời điểm các em được nghỉ học, được tự do vui chơi, đùa nghịch; từ đó dẫn tới những trò nghịch dại và tai nạn thương tâm. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ, đặc biệt với trẻ ở vùng sâu, vùng xa thường rủ nhau đi tắm sông, suối... Ngoài ra, nhiều gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đặc biệt là việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em… đã dẫn đến những hậu quả thương tâm.

Theo số liệu thống kê của BVĐK tỉnh từ năm 2014 đến hết quý I/2015, Bệnh viện đã tiếp nhận 436 trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó đuối nước 4 trường hợp, bị ngã 258, bỏng 28, ngộ độc thực phẩm, thuốc trừ sâu… là 41, tai nạn giao thông là 81, còn lại là tai nạn khác.

Trường hợp cháu Tẩn San Mẩy (4 tuổi) ở Dào San, huyện Phong Thổ, cháu ở nhà cùng mẹ, nhưng mẹ mải nấu dưới bếp không để ý đến con, con chơi quạt điện khi đang quạt. Hậu quả là cháu Mẩy bị tay dắt vào cánh quạt và bị cắt cụt 4 ngón tay. Hiện cháu đang dược điều trị tại BVĐK tỉnh. Còn trường hợp của cháu Sùng Thị Gờ, xã Dào San do bất cẩn của bố mẹ nên cháu bị trâu húc ngã và bị gãy kín 1/3 xương đùi phải.

Sự hiếu động của các em bé trai đôi khi để lại hậu quả nặng nề hơn. Ngày 18/5, cháu Thào A Vừ, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ do leo trèo cột điện bắt chim nên đã bị điện giật, ngã từ trên cao xuống, cháu được người nhà đưa vào viện cấp cứu kịp thời nhưng hậu quả để lại cho cháu cũng rất nặng.

Bác sỹ Lù Văn Châu - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Hằng năm vào dịp hè, số lượng trẻ em bị TNTT nhập viện đều tăng, các trường hợp bị tai nạn thương tích rất đa dạng: Bỏng nước, đuối nước, ngã xe, điện giật, bị vật nặng rơi vào… Một số trường hợp bị tai nạn thương tích khá nặng như: Ngã đập đầu xuống nền cứng gây chấn thương sọ não, bị bỏng nước trên 10%... có trường hợp đã phải chuyển lên tuyến trên. Có những trường hợp khi đưa vào cấp cứu, do gia đình không biết cách sơ, cấp cứu, gây nhiễm trùng vết thương khiến tình trạng thương tích của trẻ nặng hơn, việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài hơn. Nhiều trường hợp do các cháu còn nhỏ nên đã để lại di chứng nặng nề về sau ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của các cháu, đó là còn chưa kể đến một số trường hợp sau khi tai nạn tử vong tại chỗ. Để phòng, tránh TNTT cho trẻ em thì việc quan tâm đến trẻ phải được ưu tiên hàng đầu ở ngay trong mỗi gia đình và cộng đồng. Các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho con bữa ăn, giấc ngủ, hay việc học hành mà mọi sinh hoạt của con trẻ phải được kiểm soát chặt chẽ; phải sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách khoa học, gọn gàng, đề phòng điện giật, bỏng, ngã... và cho con vui chơi lành mạnh, có sự kiểm soát của người lớn”.

Mặc dù công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em đã được các cấp ngành quan tâm nhưng số trẻ bị tai nạn thương tích ở tỉnh ta vẫn gia tăng do sự bất cẩn, thiếu thời gian chăm sóc con cái của người lớn. Mặt khác do thiếu điểm vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ cùng với hệ thống đường sá, cầu cống của tỉnh ta vẫn chưa được hoàn thiện, hệ thống sông, suối nhiều nên TNTT luôn rình rập các em, đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Do đó, để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là trong dịp hè, mỗi gia đình cần sắp xếp để đảm bảo trẻ em được vui chơi, giải trí trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất. Không chỉ dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, về sơ cấp cứu một số trường hợp đơn giản như: bỏng, thương tích gây chảy máu… để khi con cái gặp trường hợp bị thương tích, gia đình có thể thực hiện đúng cách sơ cứu cho con. Khi gia đình có con em bị tai nạn thương tích, việc cần nhất là phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời, nhanh chóng.

 

Mai Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 559
Tháng 12 : 22.305