A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Mặc dù Luật đã có hiệu lực được trên 2 năm, nhưng đến nay dường như văn bản luật này mới chỉ có hiệu lực tại các cơ quan, đơn vị mà chưa thực sự đi vào đời sống của Nhân dân.

Dạo quanh một vòng thành phố Lai Châu chúng tôi bắt gặp rất nhiều người hút thuốc tại khu vui chơi 1/6, bến xe, cổng bệnh viện... mỗi người một lý do nhưng phần lớn là do hút thuốc khá lâu trở thành một thói quen, hay nói đúng hơn là nghiện thuốc nên rất khó từ bỏ. Anh Vùi Văn Chiến, xã Thèn Sin, Tam Đường, chạy xe ôm tại cổng BVĐK tỉnh cho biết: “Hàng ngày chờ khách ở đây, rảnh rỗi lại hút thuốc, có ngày tôi hút hết 01 bao thuốc, vì không có tiền để mua bao khác nên thôi chứ có trong túi nữa thì chắc tôi lại hút liên tục. Vợ tôi và nhiều người khuyên bảo rất nhiều nhưng tôi không bỏ được”.

Còn anh Lò Văn Xiên cũng là bạn xe ôm với anh Chiến thì thản nhiên tâm sự: “Thấy mọi người cũng có nói gì đó về Luật cấm không cho hút thuốc nữa, ở một số nơi thấy treo biển cấm hút thuốc, nhưng khi thèm thì vẫn hút thôi, với lại thuốc lá mua cũng không khó nên bỏ thuốc chắc là khó đấy”.

Sau 2 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực, nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ và môi trường của người lao động đã được nâng cao, có chuyển biến rõ rệt trong hành động. Nhưng chủ yếu là ở các cơ quan đơn vị, còn trong cuộc sống đời thường thì chuyện đó vẫn cứ diễn ra bình thường. Thậm chí có những cán bộ, công chức ở cơ quan thì nhịn thuốc nhưng khi về đến nhà phải hút luôn mấy điếu cho đỡ thèm. Như vậy, việc cấm hút thuốc lá phải chăng chỉ dừng lại ở mức độ chấp hành theo kiểu chống đối để không bị nhắc nhở hay hạ thi đua tại cơ quan, còn về nhà hay đi ra ngoài thì ai phạt?

Theo Nghị định số 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng, như: Trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000đ… Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở những nơi không được phép. Tại những địa điểm công cộng mà hành vi hút thuốc lá bị nghiêm cấm như: Bến xe, trường học, bệnh viện, khu công viên, người dân vẫn ngang nhiên sử dụng thuốc mà không gặp bất kỳ động thái nào từ những người có trách nhiệm. Khi được hỏi về Luật thì ai cũng biết rõ là cấm hút thuốc lá, nhưng hầu như không mấy ai bận tâm, đơn giản vì “có ai xử phạt đâu mà lo”. Và thực tế, các cán bộ quản lý tại những địa điểm này cũng chỉ có trách nhiệm nhắc nhở người dân, chứ không có thẩm quyền xử phạt người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Ngay tại các bệnh viện, nơi có thể cấm tuyệt đối việc hút thuốc lá, nhưng nếu đứng một lúc tại cổng BVĐK tỉnh vẫn bắt gặp hình ảnh người dân ngang nhiên hút thuốc, thậm chí nhiều người nhà người bệnh còn đứng ở hành lang ngoài phòng bệnh để hút thuốc, mặc dù cán bộ bệnh viện nhắc nhở cũng như các biển cấm hút thuốc lá được treo ở hầu hết các khoa, phòng, phòng chờ, khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn không khó để bắt gặp khói thuốc lá và người hút thuốc lá tại đây.

TTND. Nguyễn Công Huấn, Giám đốc sở Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh cho biết: “Mặc dù đã có Luật, nhưng để triển khai trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định của Luật và nghị định liên quan, lực lượng xử lý ở địa phương chỉ chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Trên thực tế số người vi phạm nhiều, diễn ra trên địa bàn rộng, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bất chợt và để xử phạt được thì phải có đủ các ban ngành theo quy định. Trong khi đó, lực lượng có quyền xử phạt mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, nên không thể thường xuyên theo dõi, xử phạt được. Việc xử phạt không nghiêm tất yếu khiến người dân nhờn luật và khó từ bỏ thói quen hút thuốc. Hiện tại, Ban chỉ đạo tỉnh đang tập trung vào công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân từ bỏ thuốc lá; xây dựng triển khai các văn bản về phòng, chống tác hại thuốc lá đối với cơ quan, đơn vị, các điểm công cộng cấm hút thuốc lá, mà trước hết là tại các bệnh viện, trường học và sẽ thành lập các đoàn thanh kiểm tra để tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành Luật PCTH thuốc lá trên địa bàn toàn tỉnh”.

Để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào đời sống, cần tiếp tục tăng cường truyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân để góp phần xây dựng một môi trường sạch, không khói thuốc. Bên cạnh đó, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá phát huy hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống thì cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp đồng bộ, toàn diện mang tính hệ thống để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

 

Bài, ảnh: Mai Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 842
Tháng 04 : 33.237