Hội nghị trực tuyến: Lễ khánh thành, kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telehealth
Chiều ngày 25/9, Bộ Y tế tổ chức trực tuyến toàn quốc Lễ khánh thành, kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh (KCB) từ xa qua hệ thống Telehealth.
Dự và chỉ đạo buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, đại diện Tổ chức WHO, UNISEC và 63 điểm cầu trong nước… Dự buổi lễ tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có TTƯT, BSCKII. Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế và đại diện một số ngành liên quan.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ -TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Trong đó, Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: Phát triển nền tảng hỗ trợ KCB từ xa để hỗ trợ người dân giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận KCB từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Việc KCB từ xa giúp nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, hỗ trợ người dân khám bệnh chất lượng cao ngay tại cơ sở, góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng của người bệnh. Đây là giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án KCB từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu KCB được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời tại tuyến cơ sở, không phải chuyển tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và chúc mừng, đánh giá cao Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng thành công cũng như triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sự kiện này ý nghĩa hơn khi thế giới đang có đại dịch Covid-19 chưa thuyên giảm mà trong nước đã hơn 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Thủ tướng đề nghị các Bộ: Y tế, Quốc Phòng, Thông tin và Truyền thông, các đơn vị viễn thông và UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai tốt chương trình KCB từ xa. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực phối hợp chặt chẽ hơnvới các cơ sở KCB tuyến trên triển khai tốt chương trình KCB từ xa; lực lượng thầy thuốc phát huy trí tuệ, tinh thần giúp đỡ, hướng dẫn kiểm tra tích cực chương trình KCB từ xa, từng bước nâng cao kỹ thuật KCB phục vụ người dân, xứng đáng niềm tin của Nhân dân…
Tại buổi lễ, các đại biểu đã xem những đoạn phim về kết nối hội chẩn KCB từ xa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi lễ khánh thành 1.000 cơ sở KCB từ xa. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel trao tặng Bộ Y tế 178 hệ thống hội chẩn từ xa.
Tin, ảnh: Nguyễn Hằng (CDC)
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.